Câu chuyện chọn đá Hồng Ngọc làm cờ cho Lăng Bác Hồ | Đá quý phong thủy

English French German Spain Italian Dutch Russian Portuguese Japanese Korean Arabic Chinese Simplified

Thứ Ba, 28 tháng 2, 2012

Câu chuyện chọn đá Hồng Ngọc làm cờ cho Lăng Bác Hồ

Gần 40 năm trôi qua, nhưng hình ảnh hàng nghìn người dân khắp nơi đổ về bản Duồng, xã Điền Hạ với cơm đùm cơm nắm, hăng say đào bới, chọn những hòn đá Hồng Ngọc đẹp nhất làm hai lá cờ tại Lăng Hồ Chủ tịch vẫn im đậm tâm trí người dân.
Chúng tôi có dịp tận mắt “mục sở thị” công trường khai thác hơn 4.000 hòn đá Hồng Ngọc năm xưa để làm nên hai lá cờ (cờ Tổ Quốc và cờ Đảng), góp phần vào việc xây dựng lăng Bác Hồ của người dân bản Duồng, xã Điền Hạ, huyện Bá Thước, Thanh Hóa cùng nhân dân trong cả nước. Nhiều năm trôi qua nhưng không khí tấp nập, sôi sục tại công trường trong 7 tháng trời vẫn  khó phai trong tâm trí mỗi người dân vùng núi này khi ghé thăm. 
Ngược thành phố Thanh Hóa hơn 100 km về phía Tây, chúng tôi tìm gặp ông Trương Phúc Chủ, người được phân công trực tiếp quản lý, phân phối và điều động người dân tham gia khai thác đá Hồng Bàng trong những năm lịch sử, để góp phần vào việc xây dựng lăng Bác Hồ và nghe ông kể lại câu chuyện về hai lá cờ trong lăng Bác. 
Vào cuối năm 1973, đầu năm 1974, “nghe tin Trung ương lựa chọn đá Hồng Ngọc có màu đỏ tại đồi Chợ Phét (đồi cây đa) làm hai lá cờ để trong lăng Bác Hồ và xây lăng, người dân vùng núi Bá Thước vui mừng lắm. Khi đó, tôi đang là cán bộ của huyện nên cũng thấy tự hào vì vùng quê mình có một loại đá mà không nơi nào trên đất nước Việt Nam có được”, ông Chủ nói. 
Hòn đá Hồng Ngọc có màu đỏ tươi không bao giờ bị phai
 
Đá Hồng Ngọc là một loại đá có màu đỏ tươi, nặng hơn các loại đá khác cùng kích cỡ. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, màu đỏ nguyên bản của đá này không bị phai mờ đến hàng nghìn năm sau. Hiện tại, địa điểm lấy đá Hồng Ngọc tại bản Duồng thuộc xã Điền Hạ, huyện Bá Thước vẫn được người dân và chính quyền địa phương giữ gìn nguyên vẹn. 
Mặc dù ông Trương Phúc Chủ khi ấy đang làm Trưởng Phòng Giáo dục huyện Bá Thước, nhưng ông là một người nhiệt huyết và lớn lên tại mảnh đất này nên hiểu được địa lý, đặc điểm của đá Hồng Ngọc. Ông được phân công chỉ đạo trực tiếp công trường khai thác đá, huy động người dân tham gia đào đá để kịp thời gian làm hai lá cờ và xây dựng lăng Bác. 
Từ sáng sớm, hàng nghìn người dân tình nguyện từ các địa phương lân cận ùn ùn kéo về bản Duồng, xã Điền Hạ đào bới dưới lòng đất sâu để tìm được hòn đá Hồng Ngọc có màu đỏ tươi, đẹp, góp phần xây dựng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phong trào đào đá làm cờ Tổ Quốc và cờ Đảng trong lăng Bác tạo nên không khí tấp nập tại đồi Chợ Phét, thể hiện sự đồng lòng đoàn kết của đồng bào dân tộc cùng niềm tự hào lớn lao, góp công sức nhỏ vào việc xây dựng lăng Bác Hồ. 
Thời gian khai thác đá Hồng Ngọc của người dân bản Duồng, xã Điền Hạ kéo dài hơn 7 tháng trời với 4000 hòn đá được chọn để làm cờ vả xây dựng lăng Bác Hồ. Đó dường như là quãng thời gian với rất nhiều kỉ niệm của người dân bản Duồng cùng những vui buồn, vất vả nhưng đoàn kết, tự hào. Ông Chủ tâm tình, điều khiến ông không bao giờ quên là khi phát hiện tảng đá lớn hơn 3 khối (nặng khoảng 7 tấn) treo leo trên ngọn đồi Chợ Phét.  
Ông Trương Phúc Chủ đang kể lại câu chuyện đá Hồng Ngọc làm cờ và xây lăng Bác Hồ
 
“Tảng đá rất to, nặng nhưng thời gian cho phép vận chuyển ra Hà Nội để kịp tiến độ lại không còn nhiều. Hơn nữa, không được phép dùng gậy sắt, lăn thăng để di chuyển đá vì sợ đá bị vỡ, sứt mẻ sẽ không làm được. Vì vậy, việc di chuyển được tảng đá xuống chân đồi để đưa ra Hà Nội xây dựng là một điều vô cùng khó khăn. Các cấp, các ngành cùng bà con nông dân lo lắng vì không tìm được cách vận chuyển đá an toàn xuống núi. Có người cho rằng nên phá 3 ha rừng rồi cho trực thăng cẩu tảng đá xuống xe để vận chuyển nhưng lại tốn rất nhiều thời gian và công sức của nhiều người.  
Lúc đó, tôi chợt nảy ra ý tưởng là chặt các cây gỗ to và thẳng kết thành mảng rồi từ từ cho tảng đá lăn xuống chân đồi, như vậy vừa không phải phá bỏ rừng, vừa mất ít thời gian, công sức. Và rồi tảng đá to được đưa xuống núi một cách nguyên vẹn chỉ sau một tuần trời”, ông Chủ nhớ lại. 
Lại nảy sinh vấn đề mới, đó là việc đưa tảng đá lớn lên xe để vận chuyển. Dù đã dùng ròng rọc loại to nhất để kích tảng đá nhưng ròng rọc làm bằng sắt đã bị gãy. Một lần nữa, hàng nghìn người dân địa phương phải dùng cách đào hầm dưới tảng đá rồi cho xe lùi vào đỡ tảng đá. 
Tưởng chừng mọi việc đã thuận lợi, đá có thể chuyển ra Hà Nội cho kịp tiến độ thi công, nhưng con đường vào bản Duồng rất nhỏ và lầy lội, xe ô tô không thể vận chuyển đá với khối lượng lớn đi qua. Vậy là hơn 3.000 người dân đã ngày đêm mở 3km đường xuyên qua cánh đồng, khe suối rồi dùng các loại cây gỗ xếp thành đường để xe có thể vận chuyển đá cho kịp thời gian làm cờ và xây dựng lăng. 
Đồi Chợ Phét, nơi có đá Hồng Ngọc được khai khác làm cờ
 
Niềm vui ngập tràn trên khuôn mặt người dân xã Điền Hạ và người dân các địa phương lân cận vì hơn 300 khối đá Hồng Ngọc (tương đương 4.000 hòn đá lớn nhỏ) cùng 50 xe ô tô được người dân Bá Thước khai thác, vận chuyển an toàn ra Hà Nội để bàn giao cho các đơn vị xây dựng Lăng Bác. 
Lúc đó, ông Trương Phúc Chủ đã được chọn làm người đại diện cho nhân dân để bàn giao và tham gia quá trình xẻ đá, tinh chọn đá để gắn thành cờ. Hơn 1 tháng cùng những nghệ nhân chế tác, các nhà khoa học ăn ở tại Hà Nội, cuối cùng 2 lá cờ đã hoàn thành, mỗi lá cờ dài 1,2m, rộng 80cm và được đặt nơi trang trọng nhất, khi du khách viếng thăm Lăng Bác đều thấy rõ 2 lá cờ màu đỏ tươi được làm bằng đá Hồng Ngọc ngàn năm không phai màu. 
Câu chuyện về đá Hồng Ngọc được dùng làm 2 lá cờ đặt nơi trang trọng nhất trong Lăng Bác Hồ Chủ tịch luôn được người dân vùng núi Bá Thước xem là một sự kiện lịch sử, là niềm tự hào cho các thế hệ mai sau mỗi khi nhắc về công trình vĩ đại của đất nước - Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng Lên Các Mạng Xã Hội

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More