Câu chuyện bí ẩn về hạc trời xuất hiện ở lễ hội An Dương Vương | Đá quý phong thủy

English French German Spain Italian Dutch Russian Portuguese Japanese Korean Arabic Chinese Simplified

Thứ Ba, 31 tháng 1, 2012

Câu chuyện bí ẩn về hạc trời xuất hiện ở lễ hội An Dương Vương

Đúng ngày Lễ hội Đền Cuông, một con hạc trời xuất hiện bay vào ngôi đền thờ chính. Sau đó, phía bờ biển cũng xuất hiện một con cá voi dạt vào bờ. Người xứ Nghệ tin rằng, những câu chuyện thế sự có độ trùng lặp kỳ lạ là minh chứng cho sự hiện hữu của An Dương Vương và Mỵ Châu.

Hạc trời, cá Voi và sự xuất hiện trùng lặp
Đền Cuông tọa lạc trên một ngọn núi tại xã Diễn An, huyện Diễn Châu, Nghệ An là một di tích lịch sử đã được Nhà nước xếp hạng và cũng là một danh thắng mà bất cứ ai đã đến sẽ khó quên bởi sự kết hợp hài hoà giữa kiến trúc và cảnh sắc thiên nhiên như thể đã có một sự thoả thuận từ ngàn đời trước giữa tạo hoá và bàn tay con người.
Để tưởng nhớ vị vua đã có công sáng lập nên Quốc gia Âu Lạc, từ ngày từ 14-16/2 âm lịch tại huyện Diễn Châu đã tổ chức Lễ hội đền Cuông 2012.
Ngôi đền này là nơi thờ Thục An Dương Vương, nơi ghi dấu ấn truyền thuyết Mỵ Châu - Trọng Thủy. Lịch sử ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã ghi công lao to lớn của Thục An Dương Vương, người đã giương cao ngọn cờ cùng nhân dân đánh Tần đuổi Triệu giành độc lập cho dân tộc.
Lễ hội đền Cuông được bắt đầu bằng các Phần lễ: Lễ Khai quang, lễ cáo Thung Thiên, lễ yết cáo, lễ rước vua Thục và công chúa vi hành, lễ đại tế và lễ tạ.
Khi tham gia lễ, các vị trong ban hành lễ phải mặc lễ phục. Lễ phục bao gồm: Áo dài thụng, quần thụng trắng, hia và mũ. Ông chủ tế sẽ mặc lễ phục màu vàng, có hoa văn ở trước và sau khác với các bộ lễ phục khác. Hai ông bồi tế sẽ mặc lễ phục màu đỏ. Những người còn lại trong ban hành lễ sẽ mặc lễ phục màu xanh nhưng có hoa văn trang trí khác nhau để phân biệt.
Lễ hội đền Cuông là sự tri ân của thế hệ hôm nay với những người có công với đất nước, là đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" ngàn đời của dân tộc ta, để các thế hệ nối tiếp nhau phát huy truyền thống hào hùng của dân tộc.
Theo nhận định của nhiều người dân thì nhìn chung năm nay công tác tổ chức lễ hội của Ban tổ chức so với các năm trước đã khá hơn rất nhiều.
Lật lại những câu chuyện về ngôi đền này, người dân nơi đây vẫn lưu truyền về sự xuất hiện của hạc trời đúng ngày lễ khai mạc vào năm 1995. Năm đó, trong khi mọi người đang nô nức ngắm nhìn màn cưỡi ngựa diễu hành của một nông dân, thì bất ngờ, con hạc to, trắng toát tựa như đại bàng hạ cánh trên tay người cưỡi ngựa.
Hàng ngàn ngươi ngắm nhìn, và hạc cũng liên tục vẫy cánh khoe sắc. Sự kiện này nhanh chóng trở thành câu chuyện thời sự nóng bóng ở xứ Nghệ lúc bấy giờ. Từng dòng người từ miền ngược, miền xuôi đua nhau kéo về Đền Cuông để ngắm hạc và cầu khấn. Đền Cuông trong những ngày Lễ hội năm đó luôn trong tình trạng quá tải.
Đền Cuông, ngôi đền gắn liền với truyền thuyết An Dương Vương
Việc hạc bỗng dưng xuất hiện khiến nhiều người càng tin hơn về chuyện điển tích từ xa xưa. Bởi hạc là loại động vật thường bay ở tầm cao và rất sợ tiếp xúc với con người. Thế nhưng, hạc bỗng dưng xuất hiện đúng vào ngày lễ hội Đền Cuông gây ra rất nhiều lý giải trái chiều, ai cũng cho rằng, đó là Mỵ Châu hóa thân để tham gia Lễ hội cùng mọi người.
Sau đó, hạc được đưa vào đền, cho đậu ở một nơi trang trọng, có không gian thoáng để người người chiêm ngưỡng. Tuy nhiên, đúng một ngày sau khi Lễ hội kết thúc, hạc cũng chết và điều đó càng ứng nghiệm lý giải của người dân về mối liên hệ giữa con hạc với câu chuyện cổ xưa.
Một cuộc họp khẩn do lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An chủ trì đã được diễn ra tại Diễn Châu, bàn về câu chuyện con hạc. Một số cho rằng, nên chôn cất và lập miếu thờ ngay tại đền. Nhưng về sau, khi đã tham khảo ý kiến của nhiều chuyên gia, hạc đã được mang ra Hà Nội, tiến hành việc ướp xác, và sau đó được đưa vào lồng kính chuyển về Nghệ An.
 Hằng năm, lễ hội Đền Cuông thu hút hàng ngàn người dân thập phương về thắp hương, cầu nguyện
Ngày nay, tại Đền Cuông, xác con hạc vẫn còn y nguyên nằm trong lồng kính, như để người dân khi đến với ngôi đền đều nhớ lại câu chuyên xưa.
Khi mà câu chuyện con hạc, một giống loài động vật cao quý bỗng dưng xuất hiện, khiến người ta liên tưởng đến Mỵ Châu chưa kịp lắng xuống, thì tại Lễ hội Đền Cuông một năm sau đó, ở bờ biển Cửa Hiền, thuộc địa phận xã Diễn Trung (Diễn Châu), phía sau ngôi Đền Cuông huyền thoại, một con cá voi 10 tấn chết dạt vào bờ.
Lúc này, người tham gia Lễ hội ùn ùn kéo về phía bờ biển để thắp hương cầu khấn. Theo lý giải của người dân, biển Cửa Hiền khi xưa là nơi An Dương Vương gieo mình xuống biển, và sau đó, người ta cũng đã lập miếu thờ tại đây. Lý do để người ta tin vào câu chuyện xưa, là bờ biển Cửa Hiền cạn, chuyện cá voi chết dạt vào bờ là ngàn năm có một. Như vậy, ứng nghiệm truyền thuyết xưa, sau khi giết chết Mỵ Châu, An Dương Vương đã gieo mình xuống biển.
Năm 1995, sự kiện Hạc trời xuất hiện ngay trong ngày lễ giỗ An Dương Vương đã thu hút sự quan tâm, hiếu kỳ của rất nhiều người. Có nhiều người tin rằng sự xuất hiện của Hạc là ứng nghiệm với truyền thuyết cố nhân. Ảnh tư liệu
Người dân đinh ninh rằng, hạc về là hiện thân cho Mỵ Châu, và cá voi chết một năm sau đó, dạt vào bờ biển và minh chứng cho cái chết đầy bi thảm của Vua An Dương Vương. Có thể vì vậy mà lễ an táng xác chết của cá voi năm ấy có sự tham gia của hàng trăm ngàn người với đấy những nghi thức trang trọng nhất. Sau đó, ngôi mộ cá voi được người dân ngày ngày hương khói. Khách về tham quan Đền Cuông cũng không quên ghé qua mộ cá voi thắp nén nhang, như để tưởng nhớ đến công ơn của vị vua năm xưa.
Như vậy, sau khi Đền Cuông được tôn tạo và Lễ hội hoạt động trở lại, người dân đã chứng kiến những sự việc có mức độ trùng lặp đến lạ kỳ. Tất nhiên, bóng dáng sau những câu chuyện như hạc về và cá voi chết đều ẩn hiện rất rõ bóng dáng của người xưa. Vì thế mà sau hàng ngàn năm, câu chuyện lịch sử về An Dương Vương và Mỵ Châu vẫn còn nguyên đó giá trị.
Lễ hội Đền Cuông giờ đã được nâng lên một tầm cao mới, với những nghi thức và độ trang trọng không thua kém bất cứ Lễ hội nào khác ở Việt Nam. Và không chỉ người dân Nghệ An mà du khách bốn phương khi qua Đền Cuông, như một phản xạ tự nhiên, đều dừng chân nơi ngôi đền lịch sử này, thắp nén nhang, và hồi ức lại câu chuyện lịch sử thấm đẫm nước mặt về tình yêu, tình phụ tử trong buổi đầu của thời kỳ dựng nước.
Niềm tin về sự hiện diện của Thục Phán An Dương Vương trên quê hương mình thuở xa xưa đã ăn sâu vào tâm khảm những người dân xứ Nghệ. Dù là chuyện làm ăn, dù là chuyện phong tục, dù là để lý giải những hiện tượng kỳ lạ của tự nhiên, họ đều nhìn thấy ẩn hiện phía sau là bóng dáng vị vua huyền thoại ấy...
Truyền thuyết về ngôi đền thờ An Dương Vương
Theo truyền thuyết ấy thì đền Cuông ra đời là để nhân dân thờ phụng vua An Dương Vương và công chúa Mỵ Châu. Nhưng thời điểm ngôi đền ra đời thì hiện nay đang có nhiều nguồn tài liệu khác nhau và chưa ai có thể khẳng định chắc chắn được.
 Xác con Hạc vẫn còn y nguyên nằm trong lồng kính, như để người dân khi đến với ngôi đền đều nhớ lại câu chuyên xưa.
Thục An Dương Vương đóng đô ở Cổ Loa, nhưng con cả thì lại vào trấn thủ ở xứ Nghệ. Hoàng tử xây thành ở miền núi phía Tây, nay là huyện Quỳ Châu (Nghệ An). Nhờ uy danh của vua Thục, các công chúa Mường đều nhất nhất tuân lệnh Hoàng tử, huy động người dân ngày đêm xây thành đắp lũy.
Vào cuối đời Tần, Triệu Đà gốc Hán chiếm cứ Uất Lâm (Quý Huyện – Quảng Tây), Nam Hải (Quảng Châu – Quảng Tây), Tượng Quận (Quảng Tây), lập nước Nam Việt, xưng vương đóng đô ở Phiên Ngung. Triệu Đà mấy lần đem quân sang đánh Âu Lạc nhưng đều bị thất bại nên lập kế cầu hòa. Thục An Dương Vương không những chấp nhận mà sau đó còn gả con gái Mỵ Châu cho Trọng Thủy, con trai vua Triệu Đà.

Trong việc này, Cao Lỗ có can ngăn, nhưng An Dương Vương không nghe mà còn xử tệ. Cao Lỗ sau đó bỏ ra khỏi thành. Trọng Thủy ở trong cung đánh cắp móng nỏ thần về báo vua cha. Triệu Đà cất quân đánh, quân Thục thua to. An Dương Vương lên ngựa cho Mỵ Châu ngồi sau chạy vào Nghệ An với ý đồ tập hợp lại lực lượng, hy vọng sẽ có ngày đem quân trở lại phía Bắc.
Theo truyền thuyết, Diễn Châu (Nghệ An) là nơi lưu truyền vô số các ảnh xạ của truyền thuyết về An Dương Vương. Nơi đây, vị vua này đã kết thúc sự nghiệp hào hùng của mình, nhưng hào quang về sự nghiệp ấy, về con người ấy và ngay cả dư chấn của nỗi uất hận ngàn thu về sự cả tin để “nỏ thần vô ý trao tay giặc/ nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu” (thơ Tố Hữu) vẫn còn vang động mãi muôn đời sau.
Đọc lại những mẩu truyện trong dòng truyền thuyết An Dương Vương, có thể thấy rõ đoạn kết là cao trào của bi kịch mất nước, cũng là điểm thắt nút của bi kịch tình yêu. Có lẽ bởi là nơi diễn ra hồi kết nghiệt ngã của cuộc đời những nhân vật lịch sử (mà trước hết cũng là những con người có máu thịt, có tình yêu, có niềm kỳ vọng và có cả những khờ khạo, ngây thơ…) cho nên Diễn Châu (Nghệ An) trở thành một địa danh tỏa phát nhiều ảnh xạ về truyền thuyết An Dương Vương, tiếp nối mạch truyền thuyết này từ địa danh Hòa An (Cao Bằng) và Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội).
Và đến nay, với sự biến đổi về thời gian, kiến trúc của ngôi đền đã được những người có trách nhiệm "làm mới" nhưng con Hạc vẫn còn hiện diện như một chứng tích thời gian.
Nhiều bậc cao niên cho biết, đầu tiên vua An Dương Vương được thờ trong một miếu nhỏ ở biển Cửa Hiền. Cửa Hiền là một bãi biển đẹp, nằm cách di tích đền Cuông bây giờ khoảng 3km về phía Đông. Tương truyền đây chính là nơi vua An Dương Vương theo thần Kim Quy cầm sừng tê bảy tấc đi xuống biển nên nhân dân lập miếu thờ. Nhưng từ khi vua mất thì đêm đêm trên núi lại tỏa sáng. Nhân dân cho rằng vua hiển linh về nên đổi tên núi thành Mộ Dạ có nghĩa là ánh sáng trong đêm và lập đền thờ, rước linh vị ngài về thờ cúng.
Như vậy, những cứ liệu dân gian đó cũng không cung cấp cho ta một mốc thời gian chính xác thời điểm ngôi đền ra đời. Theo cứ liệu văn học trong bài thơ “Bạng cấp sa” của Hoàng Giáp Bùi Huy Bích thời Lê - Trịnh để lại có nhắc đến đền Cuông thì chắc chắn đến thời này đền đã tồn tại. Như vậy, không ai biết chắc chắn thời gian ngôi đền ra đời chỉ biết ngôi đền có từ rất xa xưa, trước thời Lê – Trịnh tức là trước thế kỷ XVII.
Ông Cao Ngọc Xuân – Trưởng BQL di tích Đền Cuông cho biết: Vào đời vua Gia Long, lúc mới lên ngôi (1802) đã cho tu sữa lại ngôi đền này. Năm Giáp Tý, niên hiệu Tự Đức (1864), Đền Cuông tiếp tục được trùng tu lại và từ đây Lễ hội Đền Cuông được phong làm quốc tế, hiện còn chữ khắc ở ván ấm nhà hạ điện. Sau lần tu bổ đó, kiến trúc đền về cơ bản giống như ngày hôm nay.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng Lên Các Mạng Xã Hội

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More